Thủ tục Đăng ký, phê duyệt dự án JCM (TTHC cấp trung ương)

I. Thông tin chung #

II. Căn cứ pháp lý #

III. Văn bản liên quan #

Văn bản pháp lý

17/2015/TT-BTNMT


Hiệu lực văn bản: Còn Hiệu lực
THÔNG TƯ Quy định việc xây dựng và thực hiện dự án theo Cơ chế tín chỉ chung trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam và Nhật Bản

THÔNG TƯ Quy định việc xây dựng và thực hiện dự án theo Cơ chế tín chỉ chung trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam và Nhật Bản

Bộ Tài nguyên và Môi trường
Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 17/2015/TT-BTNMT Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2015

THÔNG TƯ

Quy định việc xây dựng và thực hiện dự án theo Cơ chế tín chỉ chung trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam và Nhật Bản

Căn cứ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế số 41/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Căn cứ Bản ghi nhớ hợp tác về Tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày 02 tháng 7 năm 2013

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Vụ trưởng Vụ Pháp chế

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định việc xây dựng và thực hiện dự án theo Cơ chế tín chỉ chung trong khuôn khổ hợp tác về Tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam - Nhật Bản

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các hoạt động liên quan đến xây dựng, đăng ký và thực hiện các dự án thuộc Cơ chế tín chỉ chung trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác về Tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến xây dựng, đăng ký và thực hiện dự án thuộc Cơ chế tín chỉ chung trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác về Tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Điều 3. Giải thích từ ngữ và viết tắt

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khí nhà kính là các khí trong khí quyển gây ra sự nóng lên của Trái đất, bao gồm các khí sau đây:

a) Carbon dioxide (CO2);

2

b) Methane (CH4);

c) Nitrous oxide (N2O);

d) Hydrofluorocarbons (HFCs);

đ) Perfluorocarbons (PFCs);

e) Sulphur hexafluoride (SF6);

g) Nitrogen trifluoride (NF3).

2. Cơ chế tín chỉ chung (JCM) là cơ chế trong khuôn khổ hợp tác phát triển các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản nhằm thúc đẩy việc đầu tư, chuyển giao và phổ biến các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ và cơ sở hạ tầng phát thải các-bon thấp ở các lĩnh vực khác nhau để hướng tới phát triển các-bon thấp ở Việt Nam, hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về nỗ lực giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản và đóng góp vào mục tiêu chung của quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

3. Ủy ban Hỗn hợp (UBHH) là Ủy ban bao gồm đại diện của Việt Nam và Nhật Bản để chỉ đạo, điều phối và quản lý các hoạt động thực hiện JCM theo Bản ghi nhớ hợp tác về Tăng trưởng các-bon thấp giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Thành viên của UBHH bao gồm các đại diện của Việt Nam và Nhật Bản. Đứng đầu UBHH gồm 02 đồng chủ tịch là đại diện của Việt Nam và Nhật Bản. Phía Việt Nam, các thành viên tham gia UBHH gồm đồng chủ tịch là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đại diện của các Bộ ngành có liên quan.

4. Tổ Thư ký phía Việt Nam là tổ công tác gồm một số cán bộ của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp việc cho UBHH phía Việt Nam. UBHH sử dụng Tổ Thư ký trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới dự án JCM quy định tại Thông tư này.

5. Dự án JCM là dự án được thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mục tiêu cắt giảm phát thải hoặc tăng cường hấp thụ khí nhà kính để hỗ trợ thực hiện cam kết quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Nhật Bản và phù hợp với điều kiện quốc gia của Việt Nam. Dự án được công nhận là dự án JCM khi được UBHH phê duyệt theo quy định tại Chương IV của Thông tư.

6. Bên tham gia dự án là các cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân hoạt động tại Việt Nam và Nhật Bản có thể trực tiếp xây dựng, tham gia thực hiện dự án thuộc cơ chế JCM.

7. Tài liệu thiết kế dự án (PDD) là tài liệu chi tiết về đề xuất dự án JCM do bên tham gia dự án JCM xây dựng theo hướng dẫn của UBHH, bao gồm các thông tin về thiết kế dự án và kế hoạch giám sát dự án.

8. Bên thứ ba (TPE) của dự án JCM là tổ chức pháp nhân đủ điều kiện do UBHH chỉ định, và theo yêu cầu từ bên tham gia dự án JCM làm nhiệm vụ thẩm định, thẩm tra các dự án JCM.

9. Thẩm định là quá trình đánh giá độc lập một dự án đăng ký trở thành dự án JCM do TPE

3

của dự án thực hiện trên cơ sở PDD và theo các hướng dẫn của UBHH.

Báo cáo thẩm định là báo cáo đánh giá PDD của dự án do TPE thực hiện dựa trên các hướng dẫn của UBHH.

10. Thẩm tra là việc đánh giá độc lập định kỳ và xác định hậu kỳ lượng giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính thu được từ một dự án JCM do TPE thực hiện trên cơ sở các báo cáo giám sát của bên tham gia dự án và theo hướng dẫn của UBHH.

Báo cáo thẩm tra là báo cáo đánh giá và xác định mức giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính của một dự án JCM do TPE thực hiện theo hướng dẫn của UBHH.

11. Giám sát là việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện dự án và xác định lượng giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính của dự án JCM do bên tham gia dự án tiến hành căn cứ vào PDD của dự án.

Báo cáo giám sát là báo cáo theo dõi, kiểm tra và đánh giá lượng giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính của dự án JCM do bên tham gia dự án thực hiện.

12. Phương pháp luận áp dụng cho dự án JCM là phương pháp tính toán lượng giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính thu được từ các dự án JCM, được đệ trình lên UBHH để xem xét và phê duyệt.

13. Trang thông tin điện tử của JCM bao gồm thông tin về các hướng dẫn kỹ thuật của JCM và hộp thư điện tử để tiếp nhận đề xuất của các bên tham gia dự án, thông báo chứng nhận TPE, thông báo dự án JCM được công nhận và lấy ý kiến công chúng về các phương pháp luận.

14. Tín chỉ là lượng giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính định lượng thu được từ dự án JCM, được UBHH công nhận và cấp cho các bên tham gia dự án trên cơ sở báo cáo thẩm tra của TPE.

15. Tài khoản nhận tín chỉ được cấp là tài khoản các bên tham gia dự án của Việt Nam và Nhật Bản mở để nhận số chứng chỉ được cấp.

16. Phương thức liên lạc (MoC) là phương thức liên lạc giữa các tổ chức tham gia thực hiện dự án JCM với Tổ thư ký và UBHH, bao gồm thông tin liên hệ của tổ chức, cá nhân được chỉ định làm đầu mối liên lạc.

17. Cơ chế phát triển sạch (CDM) là cơ chế tài chính mềm dẻo thuộc Nghị định thư Kyoto. Ban chấp hành quốc tế về CDM chỉ định các tổ chức nghiệp vụ độc lập thẩm định và thẩm tra các dự án thuộc cơ chế CDM.

18. Diễn đàn công nhận quốc tế (IAF) là một hiệp hội quốc tế bao gồm các tổ chức công nhận, có thẩm quyền đánh giá sự phù hợp của các tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, đảm bảo rằng các tổ chức được công nhận có đủ năng lực để thực hiện công việc trong lĩnh vực của mình.

Điều 4. Điều kiện và lĩnh vực được thực hiện dự án Cơ chế tín chỉ chung

1. Điều kiện trở thành dự án JCM

4

a) Là dự án được xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với chiến lược, quy hoạch trong các lĩnh vực liên quan của Bộ, ngành, địa phương và góp phần đảm bảo phát triển bền vững của Việt Nam;

b) Việc xây dựng và thực hiện dự án phải trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

c) Được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam và có sự tham gia của đối tác Nhật Bản.

2. Các lĩnh vực được thực hiện dự án JCM

a) Sản xuất năng lượng;

b) Chuyển tải năng lượng;

c) Tiêu thụ năng lượng;

d) Nông nghiệp;

đ) Xử lý chất thải;

e) Trồng rừng và tái trồng rừng;

g) Công nghiệp hóa chất;

h) Công nghiệp chế tạo;

i) Xây dựng;

k) Giao thông vận tải;

l) Khai thác và chế biến khoáng sản;

m) Sản xuất kim loại;

n) Phát thải từ nhiên liệu (nhiên liệu rắn, dầu và khí);

o) Phát thải từ sản xuất và tiêu thụ Halocarbons và Sulphur hexafluoride;

p) Sử dụng dung môi;

q) Lĩnh vực khác phù hợp với hướng dẫn của UBHH và quy định của pháp luật Việt Nam.

Điều 5. Quy trình chung về xây dựng, đăng ký, thực hiện dự án Cơ chế tín chỉ chung và cấp tín chỉ

1. Bên tham gia dự án xây dựng và đệ trình phương pháp luận lên UBHH để phê duyệt;

2. Ủy ban hỗn hợp phê duyệt phương pháp luận;

3. Bên tham gia dự án xây dựng PDD của dự án;

4. Bên thứ ba thẩm định PDD theo yêu của bên tham gia dự án;

5. Bên tham gia dự án đệ trình dự án lên UBHH để đăng ký;

6. Sau khi dự án được phê duyệt làm dự án JCM, bên tham gia dự án thực hiện và giám sát

5

dự án;

7. Bên thứ ba tiến hành thẩm định dự án;

8. Căn cứ vào yêu cầu của bên tham gia dự án và báo cáo thẩm định của TPE, UBHH quyết định số lượng tín chỉ và gửi yêu cầu cấp tín chỉ đến Chính phủ hai nước để cấp cho bên tham gia dự án qua tài khoản cấp tín chỉ.

Chương II

CÔNG NHẬN BÊN THỨ BA

Điều 6. Công nhận Bên thứ ba

1. Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đề nghị công nhận TPE qua thư điện tử bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị công nhận TPE (theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 và 1a ban hành kèm theo Thông tư này).

b) Chứng nhận tiêu chuẩn ISO 14.065 do IAF cấp theo tiêu chuẩn ISO 14.064-2; hoặc chứng nhận là tổ chức nghiệp vụ của Cơ chế CDM.

2. Trong thời hạn bảy (07) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị công nhận TPE của tổ chức, Tổ Thư ký thông báo qua thư điện tử kết quả kiểm tra hồ sơ theo quy định.

Đối với hồ sơ không đầy đủ theo quy định, Tổ thư ký gửi thông báo một (01) lần duy nhất để tổ chức, cá nhân biết để bổ sung hoàn thiện hồ sơ; đối với hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổ thư ký trình UBHH xem xét và quyết định.

3. Sau khi nhận được hồ sơ từ Tổ thư ký, UBHH xem xét, thẩm định và ra quyết định công nhận hoặc không công nhận TPE. Trong trường hợp không công nhận, UBHH công bố lý do.

4. Tổ thư ký thông báo qua thư điện tử đến tổ chức quyết định của UBHH công nhận hoặc không công nhận TPE kèm theo lý do. Quyết định công nhận và các thông tin về TPE sẽ được Tổ thư ký đăng tải trên trang thông tin điện tử của JCM.

5. Các TPE được phép hoạt động trong lĩnh vực đăng ký tại đã được cấp phép hoạt động bởi Ban chấp hành quốc tế về CDM hoặc một trong các thành viên của IAF. Trong trường hợp TPE muốn mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình, TPE gửi Đơn (theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 và 1a ban hành kèm theo Thông tư này) đến Tổ thư ký, trong đó mô tả lĩnh vực hoạt động bổ sung. Tổ thư ký sẽ trình UBHH xem xét và quyết định công nhận hay không công nhận TPE hoạt động trong lĩnh vực này.

Điều 7. Không công nhận Bên thứ ba

1. Bên thứ ba không còn được công nhận khi Chứng nhận tiêu chuẩn ISO 14.065 do IAF cấp theo tiêu chuẩn ISO 14.064-2 hoặc chứng nhận là Cơ quan nghiệp vụ của CDM hết hiệu lực.

2. Bên thứ ba có trách nhiệm thông báo cho Tổ thư ký và các bên có liên quan đến dự án JCM khi TPE không còn được công nhận nhưng vẫn phải tiếp tục thực hiện, hoàn thành trách nhiệm

6

đã cam kết với các Bên thực hiện dự án theo quyết định của UBHH.

3. Tổ thư ký trình UBHH quyết định việc hoạt động của TPE khi TPE không còn được công nhận.

Điều 8. Tự nguyện rút công nhận Bên thứ ba

1. Bên thứ ba gửi yêu cầu tự nguyện rút công nhận TPE trong một số hoặc toàn bộ lĩnh vực hoạt động có liên quan đến Tổ thư ký thông qua thư điện tử với các thông tin sau:

- Tên của TPE muốn tự nguyện rút công nhận;

- Chữ ký điện tử của người đại diện;

- Các lĩnh vực tự nguyện rút công nhận;

- Thời điểm việc tự nguyện rút công nhận có hiệu lực.

2. Khi tự nguyện rút công nhận trong một số hoặc toàn bộ lĩnh vực hoạt động, TPE có trách nhiệm thông báo cho Tổ thư ký và các bên có liên quan đến dự án JCM.

3. Tổ thư ký trình UBHH quyết định việc hoạt động của TPE khi TPE rút tự nguyện công nhận.

Chương III

ĐỀ XUẤT VÀ PHÊ DUYỆT PHƯƠNG PHÁP LUẬN

Điều 9. Đề xuất và phê duyệt phương pháp luận

1. Các tổ chức, cá nhân được phép đề xuất phương pháp luận (gọi tắt là “bên đề xuất”) gồm các tổ chức, cá nhân của Nhật Bản, Việt Nam hoặc bên tham gia dự án JCM.

Bên đề xuất gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt phương pháp luận đến bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 và 2a ban hành kèm theo Thông tư này) đến Tổ thư ký qua thư điện tử.

2. Trong thời hạn bảy (07) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổ thư ký thông báo cho bên đề xuất thông qua thư điện tử về tính đầy đủ của hồ sơ.

Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, Tổ thư ký thông báo một (01) lần duy nhất cho bên đề xuất để bổ sung.

3. Đối với hồ sơ đầy đủ theo quy định, Tổ Thư ký công bố phương pháp luận đề xuất trên trang thông tin điện tử của JCM và lấy ý kiến công chúng trong thời hạn mười lăm (15) ngày. Các ý kiến của công chúng được gửi qua trang thông tin điện tử của JCM. Sau thời hạn lấy ý kiến công chúng, Tổ thư ký tổng hợp các ý kiến và trình UBHH xem xét.

4. Trong thời hạn sáu mươi (60) ngày kể từ khi kết thúc lấy ý kiến của công chúng, UBHH xem xét và phê duyệt đề xuất phương pháp luận.

Trong trường hợp cần thêm thông tin, UBHH yêu cầu bên đề xuất giải trình, bổ sung thông tin cần thiết để xem xét và ra quyết định về việc phê duyệt hoặc không phê duyệt phương pháp

7

luận. Đối với trường hợp không phê duyệt phương pháp luận, UBHH công bố lý do.

5. Tổ thư ký thông báo cho bên đề xuất qua thư điện tử về quyết định phê duyệt hoặc không phê duyệt phương pháp luận của UBHH. Đối với phương pháp luận được phê duyệt, trong thời hạn không quá năm (05) ngày kể từ khi có quyết định của UBHH, Tổ thư ký đăng tải các thông tin, tài liệu liên quan về phương pháp luận trên trang điện tử của JCM.

6. Bên đề xuất có thể đề xuất lại các phương pháp luận không được phê duyệt theo trình tự thủ tục nói trên kèm theo giải trình khắc phục lý do không được phê duyệt.

Điều 10. Sửa đổi, bổ sung phương pháp luận

1. Trong quá trình thực hiện dự án, các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc các bên tham gia dự án có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung phương pháp luận. Đơn đề xuất sửa đổi phương pháp luận được gửi bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 và 3a ban hành kèm theo Thông tư này) và gửi Tổ thư ký qua thư điện tử để trình UBHH.

2. Thủ tục đề xuất phê duyệt phương pháp luận sửa đổi, bổ sung theo trình tự thủ tục tại Điều 9 của Thông tư này.

Chương IV

ĐĂNG KÝ VÀ PHÊ DUYỆT DỰ ÁN

Điều 11. Đăng ký và phê duyệt dự án

1. Bên tham gia dự án gửi hồ sơ đăng ký dự án cho Tổ thư ký qua thư điện tử để xem xét, đệ trình lên UBHH. Hồ sơ gồm:

a) Dự thảo PDD bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 và 4a ban hành kèm theo Thông tư này) kèm theo bảng kế hoạch giám sát (theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 và 5a ban hành kèm theo Thông tư này);

b) MoC bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 và 6a ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Tổ thư ký cấp số tham chiếu cho dự án và thông báo việc tiếp nhận hồ sơ cùng số tham chiếu của dự án đến bên tham gia dự án.

3. Hồ sơ đăng ký dự án và TPE dự kiến được đăng trên trang thông tin điện tử của JCM và lấy ý kiến công chúng trong thời hạn ba mươi (30) ngày. Địa chỉ của dự án trên trang điện tử của JCM sẽ được Tổ thư ký thông báo đến bên tham gia dự án và TPE.

Ý kiến của công chúng phải được gửi bằng tiếng Việt và tiếng Anh qua trang điện tử JCM. Người góp ý cung cấp tên, địa chỉ liên lạc cá nhân hoặc tổ chức. TPE sẽ xem xét tính xác thực của các ý kiến đóng góp và loại bỏ những ý kiến không xác thực.

4. Sau thời hạn lấy ý kiến công chúng, Tổ thư ký tổng hợp ý kiến góp ý của công chúng về dự án và trình hồ sơ cùng ý kiến góp ý lên UBHH.

5. Bên tham gia dự án yêu cầu TPE tiến hành thẩm định hồ sơ dự án theo hướng dẫn.

8

Trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu thẩm định, TPE thông báo cho bên xây dựng dự án kết quả thẩm định cho bên tham gia để sửa chữa, bổ sung đến khi đạt yêu cầu. Việc thẩm định hồ sơ dự án của TPE có thể diễn ra trước, trong và sau khi lấy ý kiến công chúng.

6. Trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu thẩm định, bên tham gia dự án gửi Tổ thư ký qua thư điện tử như sau:

a) Hồ sơ đăng ký dự án quy định tại khoản 1 Điều này và kèm theo đơn đăng ký dự án bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 và 8a ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Báo cáo thẩm định của TPE bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 và 7a ban hành kèm theo Thông tư này) và các giấy tờ khác có liên quan.

7. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký dự án, Tổ thư ký thông báo qua thư điện tử cho bên tham gia dự án việc tiếp nhận hồ sơ và đăng thông tin liên quan về dự án trên trang thông tin điện tử của JCM.

Trong thời hạn không quá bảy (07) ngày, Tổ thư ký thông báo cho bên tham gia dự án và TPE của dự án về tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ qua thư điện tử. Trường hợp cần bổ sung thông tin, Tổ thư ký thông báo cho bên tham gia và TPE của dự án để gửi lại.

Đối với hồ sơ hợp lệ và đầy đủ, Tổ thư ký trình UBHH xem xét và quyết định việc đăng ký dự án.

8. Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký dự án từ Tổ thư ký, UBHH xem xét và ra quyết định phê duyệt hoặc không phê duyệt dự án kèm theo lý do.

Điều 12. Sửa đổi, bổ sung Tài liệu thiết kế dự án

1. Khi thay đổi nội dung PDD đã được đăng ký, các bên tham gia dự án gửi hồ sơ sửa đổi, bổ sung PDD đến Tổ thư ký qua thư điện tử để trình UBHH xem xét, giải quyết. Hồ sơ gồm:

a) Đơn bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 và 9a ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Dự thảo PDD sửa đổi, bổ sung bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 và 4a ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Báo cáo thẩm định của TPE bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu tại Phụ lục 7 và 7a ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Thủ tục đăng ký sửa đổi, bổ sung tiến hành theo trình tự thủ tục từ Khoản 3 đến Khoản 8 Điều 11 của Thông tư này.

Điều 13. Hủy đăng ký hoặc thôi không tham gia dự án

1. Trong quá trình thực hiện dự án, các bên tham gia có thể gửi đơn xin hủy đăng ký dự án bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 và 11a ban hành kèm theo Thông tư này) qua thư điện tử cho Tổ thư ký.

2. Trong trường hợp thôi không tham gia dự án, bên tham gia dự án gửi đơn thôi không tham

9

gia dự án bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 và 12a ban hành kèm theo Thông tư này) và đơn đề nghị thay đổi nội dung MoC bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 và 10a ban hành kèm theo Thông tư này) qua thư điện tử cho Tổ thư ký.

3. Sau khi nhận được yêu cầu của bên tham gia dự án, Tổ thư ký trình UBHH xem xét và ra quyết định.

4. Tổ thư ký đăng tải quyết định của UBHH trên trang điện tử kèm theo các thông tin liên quan đến việc hủy đăng ký dự án hoặc thôi không tham gia dự án của các bên.

5. Bên tham gia dự án phải hoàn thành các nghĩa vụ đã cam kết và chịu trách nhiệm với các bên liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành do quyết định hủy đăng ký hoặc thôi không tham gia dự án của mình.

Chương V

THỰC HIỆN VÀ CẤP TÍN CHỈ CHO DỰ ÁN

Điều 14. Thực hiện dự án

1. Sau khi dự án được UBHH cấp giấy chứng nhận đăng ký, các bên tham gia dự án tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của dự án theo PDD được duyệt.

2. Khi thực hiện dự án, các bên tham gia dự án phải tuân thủ các quy định hiện hành về thẩm định, thẩm tra của JCM.

Điều 15. Cấp tín chỉ

1. Tổ chức gửi hồ sơ đề nghị cấp tín chỉ đến Tổ thư ký qua thư điện tử. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp tín chỉ của bên tham gia dự án bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 và 13a ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Báo cáo giám sát dự án do chủ dự án thực hiện;

c) Báo cáo thẩm tra dự án của TPE bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 và 14a ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp tín chỉ, Tổ thư ký thông báo qua thư điện tử cho bên xây dựng dự án việc tiếp nhận hồ sơ.

3. Trong thời hạn không quá bảy (07) ngày, Tổ thư ký thông báo cho bên xây dựng dự án và TPE của dự án về tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ qua thư điện tử.

4. Đối với hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Tổ thư ký trình UBHH xem xét, quyết định về lượng tín chỉ sẽ được cấp.

5. Sau khi có quyết định của UBHH, Tổ Thư ký thông báo qua thư điện tử kết quả cấp tín chỉ cho các bên tham gia dự án và TPE. Thông tin về việc cấp tín chỉ được đăng trên trang thông tin điện tử của JCM.

Điều 16. Hủy đề nghị cấp tín chỉ

10

1. Sau khi nộp hồ sơ đề nghị cấp tín chỉ, bên tham gia dự án có thể gửi đơn hủy yêu cầu cấp tín chỉ bằng tiếng Việt và tiếng Anh (theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 và 15a ban hành kèm theo Thông tư này) qua thư điện tử cho Tổ thư ký.

2. Tổ thư ký trình UBHH đơn hủy yêu cầu cấp tín chỉ để ra quyết định.

3. Bên tham gia dự án chịu trách nhiệm với các bên liên quan về các tổn thất gây ra do quyết định hủy đề nghị cấp tín chỉ.

Chương VI

HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 5 năm 2015 và được thực hiện cho đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền thay thế.

Điều 18. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Cơ quan thường trực của UBHH phía Việt Nam:

a) Chỉ đạo, đôn đốc Tổ thư ký giúp UBHH theo dõi, hướng dẫn các bên liên quan về xây dựng phương pháp luận, chỉ định TPE, đăng ký dự án JCM, giám sát thực hiện và cấp tín chỉ cho dự án theo quy định tại Thông tư này;

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hàng năm lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định hiện hành về JCM; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết, xử lý vi phạm đối với hoạt động thực hiện dự án quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân các cấp và hỗ trợ các bên xây dựng, thực hiện dự án JCM theo quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành các quy định tại Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, xử lý./.

11

Biểu mẫu thực hiện

Bao gồm

Mẫu 15 (1)
Mẫu 16 (1)
Mẫu 7 (1)
Mẫu 8 (1)
Mẫu 9 (1)
Mẫu 10 (1)
Mẫu 11
Mẫu 12 (1)
Mẫu 13 (1)
Mẫu 14 (2)

IV. Cách thức & lệ phí thực hiện #

V. Thành phần hồ sơ #

TroLyPhapLuat.ai

Khám phá thêm

Thông tin về chủ sở hữu Website:

CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ VIETDEVELOPERS

Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 0109967130 do Sở KH&ĐT TP.Hà Nội cấp ngày 15/04/2022.
Đăng ký lần đầu: ngày 15 tháng 04 năm 2022. Đăng ký thay đổi lần thứ 1: ngày 10 tháng 5 năm 2023 .
Địa chỉ trụ sở chính: Số 25, ngách 18 ngõ 91 Ngô Thì Sỹ., Phường Vạn Phúc, Quận Hà Đông, Hà Nội.
Địa chỉ liên hệ: Số 25B, ngõ 139 Nguyễn Ngọc Vũ, Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội
Điện thoại: 0374.647.306
Email: lienhe@trolyphapluat.ai