I. Thông tin chung #
STT | Thông tin | Nội dung chi tiết |
---|---|---|
1 | Tên thủ tục |
Thủ tục Cấp Giấy chứng nhận thẩm định an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị |
2 | Mã thủ tục | 1.004780 |
3 | Số quyết định |
2217-QĐ/BTGTV |
4 | Loại thủ tục | TTHC được luật giao quy định chi tiết |
5 | Lĩnh vực | Đường sắt |
6 | Cấp thực hiện | Cấp Bộ |
7 | Đối tượng thực hiện | Công dân Việt Nam, Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Người nước ngoài, Doanh nghiệp, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Tổ chức (không bao gồm doanh nghiệp, HTX), Tổ chức nước ngoài, Hợp tác xã |
8 | Cơ quan thực hiện | Cục Đường sắt Việt Nam |
9 | Cơ quan có thẩm quyền | Cục Đường sắt Việt Nam |
10 | Kết quả thực hiện | Giấy chứng nhận thẩm định an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị |
11 | Tham khảo | Cổng Dịch vụ công quốc gia (Xem thêm) |
II. Căn cứ pháp lý #
STT | Số ký hiệu | Trích yếu | Ngày ban hành | Cơ quan ban hành |
---|---|---|---|---|
1 | 199/2016/TT-BTC | Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn | 08-11-2016 | Bộ Tài chính |
2 | 236/2016/TT-BTC | Quy định về giá dịch vụ thẩm định thiết kế, kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt | 11-11-2016 | Bộ Tài chính |
3 | 31/2018/TT-BGTVT | QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ, CHỨNG NHẬN AN TOÀN HỆ THỐNG ĐỐI VỚI ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ | 15-05-2018 | Bộ Giao thông vận tải |
III. Văn bản liên quan #
Văn bản pháp lý
199/2016/TT-BTC
THÔNG TƯ QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ LỆ PHÍ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN KỸ THUẬT ĐỐI VỚI MÁY, THIẾT BỊ, PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG VẬN TẢI CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN
Bộ Tài chính | Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 199/2016/TT-BTC | Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2016 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ LỆ PHÍ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN BẢO ĐẢM CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN KỸ THUẬT ĐỐI VỚI MÁY, THIẾT BỊ, PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG VẬN TẢI CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN
Căn cứ Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015
Căn cứ Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa; phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí trên biển (sau đây gọi tắt là công trình biển) có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.
2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nộp lệ phí; tổ chức thu lệ phí; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc thu, nộp lệ phí.
Điều 2. Người nộp lệ phí và tổ chức thu lệ phí
1. Người nộp lệ phí: Tổ chức, cá nhân khi được cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và công trình biển có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.
2. Tổ chức thu lệ phí gồm: Cục Đăng kiểm Việt Nam (bao gồm cả các đơn vị đăng kiểm trực thuộc) và đơn vị đăng kiểm được giao cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và công trình biển có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn.
Điều 3. Mức thu lệ phí
Mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận được quy định tại Biểu mức thu lệ phí ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Kê khai, thu, nộp lệ phí
1. Tổ chức thu lệ phí thực hiện kê khai, nộp lệ phí thu được theo tháng, quyết toán năm theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 19 và khoản 2 Điều 26 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ; nộp 100% số tiền lệ phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, mục, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
2. Chi phí phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận và thu lệ phí thực hiện như sau:
a) Cục Đăng kiểm Việt Nam (bao gồm cả các đơn vị đăng kiểm trực thuộc): Các khoản chi phí liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận do Ngân sách nhà nước cấp theo dự toán được duyệt hàng năm; mức cấp cho các đơn vị đăng kiểm tối đa bằng 20% số tiền lệ phí thu được. Cục Đăng kiểm Việt Nam lập dự toán thu, chi gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của Bộ Giao thông vận gửi Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
b) Các đơn vị đăng kiểm không thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam tại các địa phương:
- Các đơn vị trực thuộc các Sở Giao thông vận tải: Các khoản chi phí liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận sẽ do Ngân sách địa phương cấp theo dự toán của Sở Giao thông vận tải được duyệt hàng năm; mức cấp các đơn vị đăng kiểm tối đa bằng 20% số tiền lệ phí thu được.
- Các đơn vị đăng kiểm thuộc công ty cổ phần, công ty tư nhân, công ty TNHH: Căn cứ số lượng cấp giấy chứng nhận đã cấp của năm trước (năm lập dự toán), đơn vị đăng kiểm dự kiến số lượng giấy chứng nhận, chi phí liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận và số tiền lệ phí thu được; gửi Sở Giao thông vận tải tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; mức chi trả các đơn vị tối đa bằng 20% số tiền lệ phí thu được.
c) Chi phí liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận bao gồm: Chi in hồ sơ, phôi giấy, số chứng nhận kiểm định; chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thu lệ phí như: văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, điện thoại; chi phí khác liên quan trực tiếp đến thu lệ phí.
d) Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp số liệu về số lượng giấy chứng nhận cấp ra và số lệ phí thu trong năm của các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm kiểm tra, quyết toán kinh phí phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận và thu lệ phí.
Điều 5. Tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và thay thế Thông tư số 102/2008/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với
máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải.
2. Các nội dung khác liên quan đến thu, nộp, quản lý, chứng từ thu, công khai chế độ thu lệ phí không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Luật phí và lệ phí; Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phí và lệ phí; Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ; Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có).
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
BIỂU MỨC THU PHÍ, LỆ PHÍ
(Kèm theo Thông tư số 199/2016/TT-BTC ngày 08 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
236/2016/TT-BTC
THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ GIÁ DỊCH VỤ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ, KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
Bộ Tài chính | Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 236/2016/TT-BTC | Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2016 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ GIÁ DỊCH VỤ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ, KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
Căn cứ Luật Đường sắt số 35/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005
Căn cứ Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012
Căn cứ Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015
Căn cứ Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giá
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về giá dịch vụ thẩm định thiết kế, kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về giá dịch vụ thẩm định thiết kế, kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt vận hành trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng và đường sắt đô thị.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được cơ quan đăng kiểm thực hiện việc thẩm định thiết kế, kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện đường sắt chịu trách nhiệm thanh toán giá dịch vụ cho cơ quan đăng kiểm theo quy định tại Thông tư này.
2. Cơ quan đăng kiểm là cơ quan thực hiện việc kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện đường sắt.
3. Tổ chức, cá nhân có liên quan khác.
Điều 3. Giá dịch vụ thẩm định, kiểm định
1. Giá dịch vụ thẩm định thiết kế, kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện đường sắt thực hiện theo quy định tại biểu giá dịch vụ kèm theo Thông tư này.
Giá dịch vụ quy định tại Thông tư này đã gồm thuế giá trị gia tăng nhưng không bao gồm lệ phí cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của Bộ Tài chính và chi phí ăn ở, đi lại, thông tin liên lạc để phục vụ công tác kiểm tra ở những nơi xa trụ sở Cơ quan đăng kiểm trên 100 km. Chi phí ăn ở, đi lại, thông tin liên lạc để phục vụ công tác kiểm tra ở những nơi cách xa trụ sở Cơ quan đăng kiểm trên 100 km (nếu có) thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ công tác phí đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập..
2. Đối với những công việc thẩm định, kiểm định khác chưa quy định tại biểu giá dịch vụ kèm theo Thông tư này hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc khi có khiếu nại về chất lượng, an toàn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải và khai thác phương tiện chưa quy định mức thu thì tính giá kiểm định theo thời gian thực tế thực hiện công việc kiểm định với mức thu là 200.000 đồng/01 giờ, nhưng tối thiểu không thấp hơn 200.000 đồng/01 lần kiểm định, trừ trường hợp khiếu nại về chất lượng, an toàn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, hoán cải và khai thác phương tiện do lỗi của cơ quan đăng kiểm.
Đối với công việc đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị bao gồm việc thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị khi xây dựng mới, nâng cấp và việc đánh giá, chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành, Cục Đăng kiểm Việt Nam lập dự toán kinh phí cho từng dự án cụ thể theo tính chất đặc thù và quy mô của mỗi dự án làm căn cứ xác định mức thu giá thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống và đánh giá, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn vận hành của tuyến đường sắt đô thị và báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét, chấp thuận bằng văn bản.
3. Khi thu tiền dịch vụ, cơ quan đăng kiểm sử dụng hóa đơn cung ứng dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và văn bản thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Cơ quan đăng kiểm có nghĩa vụ công khai thông tin và niêm yết giá dịch vụ, nộp thuế đối với số tiền thu được và có quyền quản lý, sử dụng số tiền còn lại sau khi đã nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và thay thế Quyết định số
34/2008/QĐ-BTC ngày 06/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí kiểm định an toàn giao thông và chất lượng thiết bị, vật tư, phương tiện giao thông đường sắt.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn./.
BIỂU GIÁ DỊCH VỤ KIỂM ĐỊNH AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 236/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
A. MỨC GIÁ DỊCH VỤ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT SẢN XUẤT, LẮP RÁP, HOÁN CẢI
Mức giá dịch vụ thẩm định thiết kế phương tiện giao thông đường sắt sản xuất, lắp ráp, hoán cải được áp dụng theo biểu sau:
Biểu số 1:
B. MỨC GIÁ DỊCH VỤ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN KỸ THUẬT VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
I. MỨC GIÁ DỊCH VỤ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
Mức giá dịch vụ kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt được áp dụng theo biểu sau:
Biểu số 2:
II. MỨC GIÁ DỊCH VỤ TỔNG THÀNH CỦA PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT SẢN XUẤT, LẮP RÁP VÀ NHẬP KHẨU MỚI
Mức giá dịch vụ kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật tổng thành của phương tiện giao thông đường sắt được áp dụng theo biểu sau:
Biểu số 3:
III. MỨC GIÁ DỊCH VỤ PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT HOÁN CẢI
Mức giá dịch vụ kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường hoán cải được áp dụng theo biểu sau:
Biểu số 4:
Trường hợp kiểm định hoán cải trùng với các kiểm định định kỳ đối với các loại phương tiện giao thông đường sắt thì ngoài mức giá nêu trên tính thêm giá kiểm định tương ứng.
IV. MỨC GIÁ DỊCH VỤ SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP SỬ DỤNG TRÊN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG SẮT
1. Giá dịch vụ kiểm định thiết bị xếp dỡ
1.1. Giá dịch vụ kiểm tra lần đầu (trước khi đưa vào sử dụng) đối với thiết bị xếp dỡ áp dụng theo biểu sau:
Biểu số 5:
Ghi chú: Mức giá nêu trên đã bao gồm giá thử tải thiết bị xếp dỡ.
1.2. Việc kiểm tra hàng năm và định kỳ đối với thiết bị xếp dỡ phải thực hiện đồng thời với kiểm tra thử tải thiết bị xếp dỡ nên giá kiểm tra hàng năm, định kỳ thiết bị xếp dỡ được tính bằng tổng số giá dịch vụ kiểm tra thiết bị xếp dỡ cộng (+) với giá dịch vụ thử tải thiết bị xếp dỡ. Cụ thể như sau:
a. Giá dịch vụ kiểm tra thiết bị xếp dỡ được tính bằng mức giá nêu tại Biểu 6 nhân với hệ số tuổi thiết bị xếp dỡ nêu tại Biểu 7.
Biểu số 6:
Biểu số 7:
b. Giá dịch vụ thử tải thiết bị xếp dỡ áp dụng như sau:
Biểu số 8:
1.3. Giá dịch vụ kiểm tra thiết bị xếp dỡ nhập khẩu (kiểm tra trước khi thông quan)
Biểu số 9:
2. Giá dịch vụ kiểm tra thiết bị chịu áp lực
2.1. Giá dịch vụ kiểm tra lần đầu (trước khi đưa vào sử dụng) đối với bình chịu áp lực như sau:
Biểu số 10:
2.2. Giá dịch vụ kiểm tra vận hành (hàng năm) đối với bình chịu áp lực như sau:
Biểu số 11:
2.3. Giá dịch vụ kiểm tra bên ngoài và bên trong đối với bình chịu áp lực như sau:
Biểu số 12:
2.4. Giá dịch vụ kiểm tra bên ngoài, bên trong và thử thủy lực đối với bình chịu áp lực như sau:
Biểu số 13:
2.5. Giá dịch vụ kiểm tra đối với bình chịu áp lực nhập khẩu (kiểm tra trước khi thông quan) áp dụng như sau:
Biểu số 14:
3. Giá dịch vụ kiểm tra nồi hơi
3.1. Giá dịch vụ kiểm tra lần đầu (trước khi đưa vào sử dụng) đối với nồi hơi áp dụng như sau:
Biểu số 15:
3.2. Giá dịch vụ kiểm tra hàng năm đối với nồi hơi áp dụng như sau:
Biểu số 16:
3.3. Giá dịch vụ kiểm tra bên ngoài, bên trong đối với nồi hơi áp dụng như sau:
Biểu số 17:
3.4. Giá dịch vụ kiểm tra bên ngoài, bên trong và thử áp lực đối với nồi hơi áp dụng như sau:
Biểu số 18:
3.5. Giá dịch vụ kiểm tra đối với nồi hơi nhập khẩu áp dụng như sau:
Biểu số 19:
4. Giá dịch vụ kiểm tra chất lượng thiết bị, vật tư bằng phương pháp không phá hủy
Biểu số 20:
5. Giá dịch vụ kiểm tra chứng nhận tay nghề thợ hàn và nhân viên kiểm tra không phá hủy
5.1. Mức kiểm tra chứng nhận tay nghề thợ hàn được áp dụng như sau:
Biểu số 21:
5.2. Giá dịch vụ kiểm tra chứng nhận nhân viên kiểm tra không phá hủy được áp dụng như sau:
Biểu số 22:
31/2018/TT-BGTVT
THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ, CHỨNG NHẬN AN TOÀN HỆ THỐNG ĐỐI VỚI ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ
Bộ Giao thông Vận tải | Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 31/2018/TT-BGTVT | Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2018 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ, CHỨNG NHẬN AN TOÀN HỆ THỐNG ĐỐI VỚI ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ
Căn cứ Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 ngày 16 tháng 6 năm 2017
Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Thông tư này quy định việc thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; trình tự, thủ tục thẩm định, cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống cho tuyến đường sắt đô thị khi xây dựng mới và nâng cấp; thủ tục kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành của tuyến đường sắt đô thị trong quá trình khai thác.
2. Thông tư này không điều chỉnh đối với đường sắt một ray dẫn hướng tự động, đường xe điện bánh sắt chạy chung nền với đường bộ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, thiết kế, xây dựng, vận hành; đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống cho tuyến đường sắt đô thị khi xây dựng mới và nâng cấp; chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành của tuyến đường sắt đô thị trong quá trình khai thác.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. An toàn hệ thống là việc đảm bảo an toàn bằng cách áp dụng có hệ thống các biện pháp kỹ thuật, công cụ quản lý để xác định các nguy cơ, kiểm soát các rủi ro nhằm đạt được các mục tiêu về độ tin cậy, tính sẵn sàng, khả năng bảo dưỡng và độ an toàn.
2. Chủ đầu tư là cơ quan, tổ chức sở hữu vốn hoặc được giao trực tiếp quản lý và sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cấp đường sắt đô thị.
3 . Đánh giá rủi ro là quá trình phân tích định tính hoặc định lượng rủi ro để có cơ sở lựa chọn áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro hiệu quả.
4. Đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị là việc đánh giá độc lập về an toàn hệ thống đối với các hạng mục công việc thực hiện và xác nhận tuyến đường sắt đô thị đảm bảo an toàn vận hành.
5. Đề cương nhiệm vụ đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống (sau đây gọi tắt là Đề cương đánh giá, chứng nhận) là tài liệu do Tổ chức chứng nhận chuẩn bị để mô tả các nội dung liên quan đến công việc đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống.
6. Giấy chứng nhận an toàn hệ thống là chứng chỉ của Tổ chức chứng nhận xác nhận tuyến đường sắt đô thị được thiết kế, xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn quản lý an toàn và đủ điều kiện an toàn vận hành.
7. Hệ thống quản lý an toàn vận hành là hệ thống quản lý của Tổ chức vận hành, bao gồm các quy định, hướng dẫn về cơ cấu tổ chức và các quy trình quản lý của Tổ chức vận hành được xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn quản lý an toàn, được cấp có thẩm quyền phê duyệt để kiểm soát hiệu quả các rủi ro.
8. Kiểm tra, chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành là việc kiểm tra, đánh giá định kỳ của Cơ quan quản lý nhà nước để chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn vận hành được Tổ chức vận hành duy trì liên tục, hoạt động có hiệu quả, phù hợp với quy định của Thông tư này và tiêu chuẩn quản lý an toàn đã được phê duyệt cho dự án.
9. Rủi ro là tỉ lệ xuất hiện của một nguy hiểm gây ra thiệt hại và mức độ nghiêm trọng của thiệt hại đó.
10. Tổ chức chứng nhận an toàn độc lập (sau đây gọi tắt là Tổ chức chứng nhận) là tổ chức độc lập có năng lực phù hợp được công nhận bởi các Tổ chức công nhận quốc tế, cung cấp dịch vụ đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống cho đường sắt đô thị.
11. Thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống là việc kiểm tra thủ tục, hồ sơ và xem xét các quy trình thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống của Tổ chức chứng nhận phù hợp với quy định của Thông tư này.
12. Tổ chức vận hành là tổ chức được giao quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động của tuyến đường sắt đô thị.
Điều 4. Quy định chung về đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống
1. Đường sắt đô thị xây dựng mới trước khi đưa vào khai thác phải được đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; thẩm định, cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống.
2. Đường sắt đô thị khi tiến hành nâng cấp, thay đổi một trong các nội dung dưới đây phải được đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống; thẩm định, cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống trước khi đưa vào khai thác:
a) Thay đổi hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu;
b) Thay đổi kiểu loại phương tiện;
c) Cải tạo hệ thống cung cấp điện sức kéo;
d) Nâng cao năng lực vận tải, mở rộng quy mô tuyến;
đ) Thay đổi cơ cấu tổ chức của Tổ chức vận hành.
3. Đề cương đánh giá, chứng nhận phải bao gồm ít nhất các nội dung sau:
a) Phạm vi đánh giá, chứng nhận;
b) Phương pháp, quy trình thực hiện;
c) Các giới hạn an toàn, tiêu chuẩn chấp nhận rủi ro;
d) Kế hoạch thực hiện đánh giá, chứng nhận;
đ) Tài liệu chuyển giao.
Điều 5. Quy định về hệ thống quản lý an toàn vận hành
1. Hệ thống quản lý an toàn vận hành phải được xây dựng trước khi đưa tuyến đường sắt đô thị vào khai thác.
2. Hệ thống quản lý an toàn vận hành phải đảm bảo thực hiện được ít nhất các nội dung sau đây:
a) Chính sách an toàn được người đại diện theo pháp luật của Tổ chức vận hành phê duyệt và được phổ biến trong nội bộ tổ chức;
b) Các mục tiêu an toàn bao gồm: mục tiêu định tính và mục tiêu định lượng. Mục tiêu định tính là các mục tiêu về đánh giá, xếp hạng mức an toàn, mục tiêu định lượng là các mục tiêu số liệu cụ thể có thể đo đếm được;
c) Kế hoạch an toàn: kế hoạch thực hiện các mục tiêu an toàn;
d) Quản lý sự phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật và tuân thủ quy định vận hành liên quan;
đ) Quản lý sự thay đổi;
e) Quản lý rủi ro;
g) Quản lý năng lực người làm công tác vận hành, bảo trì hệ thống;
h) Quản lý đào tạo nguồn nhân lực quản lý an toàn;
i) Quản lý tài liệu, trao đổi thông tin liên quan đến an toàn;
k) Quản lý tình huống khẩn cấp: các quy định về công tác cứu hộ, cảnh báo, thông tin và phối hợp với các bên liên quan trong trường hợp khẩn cấp;
l) Quản lý điều tra tai nạn, sự cố: đảm bảo các tai nạn, sự cố, các tình huống nguy hiểm được ghi chép, điều tra và phân tích cùng với các biện pháp khắc phục phòng ngừa cần thiết được áp dụng;
m) Đánh giá nội bộ.
3. Hệ thống quản lý an toàn vận hành phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra, chứng nhận định kỳ trong quá trình khai thác.
Chương II
ĐÁNH GIÁ, CHỨNG NHẬN AN TOÀN HỆ THỐNG
Điều 6. Nội dung đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống khi xây dựng mới
1. Đánh giá độ tin cậy, tính sẵn sàng, khả năng bảo dưỡng và độ an toàn đối với các hệ thống sau: phương tiện; hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu; hệ thống cung cấp điện sức kéo; cửa chắn ke ga (nếu có).
2. Đánh giá rủi ro phương án sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp, trên cầu cạn, trong đường hầm, nhà ga; đánh giá rủi ro kiểm soát khói, thoát nhiệt, thông gió trong đường hầm.
3. Đánh giá tương thích điện từ.
4. Đánh giá tích hợp hệ thống.
5. Đánh giá thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống.
6. Đánh giá Hệ thống quản lý an toàn vận hành.
7. Các nội dung đánh giá khác theo yêu cầu của Chủ đầu tư.
Điều 7. Nội dung đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống khi nâng cấp
1. Đánh giá độ tin cậy, tính sẵn sàng, khả năng bảo dưỡng và độ an toàn đối với các hạng mục nâng cấp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 4 của Thông tư này.
2. Đánh giá tích hợp hệ thống.
3. Đánh giá chạy thử hệ thống sau khi nâng cấp.
4. Đánh giá Hệ thống quản lý an toàn vận hành.
5. Các nội dung đánh giá khác theo yêu cầu của Chủ đầu tư.
Điều 8. Trình tự thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống khi xây dựng mới hoặc nâng cấp
1. Chủ đầu tư xây dựng các quy định kỹ thuật của gói thầu đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
2. Căn cứ quy định kỹ thuật, Tổ chức chứng nhận xây dựng Đề cương đánh giá, chứng nhận theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Thông tư này.
3. Tổ chức chứng nhận thực hiện theo Đề cương đánh giá, chứng nhận đã được phê duyệt. Căn cứ theo kế hoạch nêu trong đề cương và tiến độ thực tế của dự án, Tổ chức chứng nhận gửi báo cáo đánh giá định kỳ hoặc báo cáo đánh giá các hạng mục ngay sau khi hoàn thành công việc cho Chủ đầu tư và các bên liên quan.
4. Sau khi hoàn thành và kết thúc toàn bộ công việc theo Đề cương đánh giá, chứng nhận, Tổ chức chứng nhận lập báo cáo đánh giá cuối cùng, cấp Giấy chứng nhận an toàn hệ thống.
Điều 9. Giấy chứng nhận an toàn hệ thống
Giấy chứng nhận an toàn hệ thống bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:
1. Tên, địa chỉ của Tổ chức chứng nhận.
2. Tên của tuyến, đoạn tuyến đường sắt đô thị.
3. Tên, địa chỉ của tổ chức vận hành.
4. Thông tin về đặc tính kỹ thuật của tuyến đường sắt đô thị, bao gồm: khổ đường, chiều dài tuyến, đoạn tuyến, số ga, hệ thống cung cấp điện sức kéo, thành phần đoàn tàu, hệ thống tín hiệu, năng lực chuyên chở.
5. Tiêu chuẩn áp dụng để chứng nhận.
6. Kết luận của Tổ chức chứng nhận về sự phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng và an toàn vận hành của tuyến đường sắt đô thị.
Chương III
THẨM ĐỊNH HỒ SƠ AN TOÀN HỆ THỐNG
Điều 10. Quy định về hồ sơ thẩm định
1. Việc thẩm định sẽ được thực hiện đối với từng hạng mục công việc nêu trong Đề cương đánh giá, chứng nhận, tương ứng với từng hạng mục công việc, hồ sơ thẩm định bao gồm:
a) Giấy đề nghị thẩm định theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Đề cương đánh giá, chứng nhận và các phiên bản cập nhật sửa đổi đã được Chủ đầu tư phê duyệt;
c) Báo cáo đánh giá và các tài liệu đánh giá kèm theo đối với các hạng mục mà Tổ chức chứng nhận đã thực hiện theo Đề cương đánh giá, chứng nhận;
d) Báo cáo xử lý, khắc phục của Chủ đầu tư đối với các vấn đề được nêu trong báo cáo đánh giá của Tổ chức chứng nhận;
đ) Báo cáo đánh giá cuối cùng và bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận an toàn hệ thống của Tổ chức chứng nhận.
2. Thời điểm nộp hồ sơ:
a) Giấy đề nghị thẩm định nộp cùng với Đề cương đánh giá, chứng nhận;
b) Các tài liệu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này nộp sau khi được Chủ đầu tư phê duyệt;
c) Các tài liệu theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 1 Điều này nộp ngay sau khi hoàn thành công việc;
d) Các tài liệu theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này nộp sau khi Tổ chức chứng nhận hoàn thành và kết thúc toàn bộ công việc.
3. Cách thức nộp hồ sơ: Chủ đầu tư nộp hồ sơ thẩm định trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Điều 11. Nội dung thẩm định
1. Kiểm tra sự phù hợp của hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Thông tư này.
2. Xem xét quy trình thực hiện và kết quả đánh giá của Tổ chức chứng nhận đối với các nội dung quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
3. Kiểm tra sự phù hợp của các nội dung công việc đã thực hiện với Đề cương đánh giá, chứng nhận.
Điều 12. Trình tự thực hiện thẩm định
1. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo bằng văn bản cho Chủ đầu tư để bổ sung, hoàn thiện. Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành thẩm định hồ sơ.
2. Đối với việc thẩm định các hồ sơ quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều 10 của Thông tư này, trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải có văn bản thông báo kết quả thẩm định, trường hợp kết quả thẩm định không đạt yêu cầu thì phải nêu rõ lý do và yêu cầu Chủ đầu tư khắc phục, hoàn thiện.
3. Đối với việc thẩm định báo cáo đánh giá cuối cùng, Giấy chứng nhận an toàn hệ thống, trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ toàn bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 của Thông tư này, Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm:
a) Cấp Giấy chứng nhận thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống theo mẫu tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này trong trường hợp kết quả thẩm định đạt yêu cầu;
b) Có văn bản nêu rõ lý do không đạt và yêu cầu Chủ đầu tư khắc phục, hoàn thiện trong trường hợp kết quả thẩm định không đạt yêu cầu.
Chương IV
KIỂM TRA, CHỨNG NHẬN ĐỊNH KỲ HỆ THỐNG QUẢN LÝ AN TOÀN VẬN HÀNH
Điều 13. Quy định về kiểm tra, chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành
1. Sau 36 tháng, kể từ ngày tuyến đường sắt đô thị xây dựng mới được đưa vào vận hành, Hệ thống quản lý an toàn vận hành phải được kiểm tra, chứng nhận định kỳ lần đầu. Trước khi kết thúc thời hạn 36 tháng ít nhất 02 tháng, Hệ thống quản lý an toàn vận hành phải được tiến hành kiểm tra, chứng nhận định kỳ.
2. Trước khi Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành hết hiệu lực ít nhất 02 tháng, Hệ thống quản lý an toàn vận hành phải được tiến hành kiểm tra, chứng nhận định kỳ.
3. Hồ sơ kiểm tra định kỳ bao gồm:
a) Giấy đề nghị chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Báo cáo đánh giá nội bộ của Tổ chức vận hành.
4. Cách thức nộp hồ sơ: Tổ chức vận hành nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Điều 14. Nội dung thực hiện
1. Xem xét báo cáo đánh giá nội bộ và các tài liệu liên quan đến Hệ thống quản lý an toàn vận hành của Tổ chức vận hành.
2. Kiểm tra việc duy trì hiệu lực của Hệ thống quản lý an toàn vận hành theo quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư này.
Điều 15. Trình tự thực hiện
1. Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn hoàn thiện ngay trong ngày làm việc (đối với trường hợp nộp trực tiếp) hoặc có văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ (đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện) trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ.
2. Trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Thông tư này, trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm:
a) Thực hiện kiểm tra việc duy trì Hệ thống quản lý an toàn vận hành và cấp Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm Thông tư này nếu kết quả kiểm tra đạt yêu cầu;
b) Có văn bản trả lời và nêu rõ lý do không cấp Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị trong trường hợp kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu.
Điều 16. Hiệu lực của Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị
1. Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị có hiệu lực 24 tháng, kể từ ngày cấp.
2. Giấy chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị sẽ hết hiệu lực khi tuyến, đoạn tuyến đường sắt đô thị tiến hành nâng cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư này.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan; Tổ chức chứng nhận có năng lực và chuyên gia có chuyên môn phù hợp để thực hiện:
1. Thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị;
2. Kiểm tra, chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị.
Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
1. Phổ biến và triển khai thực hiện Thông tư này tới các tổ chức, cá nhân có liên quan tại địa phương.
2. Thực hiện thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc quản lý an toàn đường sắt đô thị.
3. Xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm trong hoạt động đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt đô thị và vận hành, khai thác đường sắt đô thị.
Điều 19. Trách nhiệm của Chủ đầu tư
1. Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều khoản tham chiếu của hồ sơ mời thầu đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
2. Lựa chọn Tổ chức chứng nhận có đủ điều kiện năng lực thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống cho tuyến đường sắt đô thị theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
3. Phê duyệt Đề cương đánh giá, chứng nhận của Tổ chức chứng nhận lập.
4. Chủ trì, phối hợp với Tổ chức vận hành xây dựng Hệ thống quản lý an toàn vận hành cho tuyến đường sắt đô thị xây dựng mới hoặc nâng cấp.
5. Lập và hoàn thiện hồ sơ thẩm định an toàn hệ thống theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này.
6. Lập danh mục các tiêu chuẩn áp dụng cho việc đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt theo quy định.
7. Bảo quản, lưu giữ đầy đủ hồ sơ đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định và bàn giao đầy đủ cho Tổ chức vận hành khi tuyến đường sắt đô thị được đưa vào khai thác.
8. Thanh toán giá, phí thực hiện thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống đường sắt đô thị theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Trách nhiệm của Tổ chức vận hành
1. Phối hợp với Chủ đầu tư xây dựng Hệ thống quản lý an toàn vận hành cho tuyến đường sắt đô thị xây dựng mới hoặc nâng cấp.
2. Định kỳ 12 tháng, thực hiện đánh giá nội bộ Hệ thống quản lý an toàn vận hành.
3. Duy trì hiệu lực và cải tiến Hệ thống quản lý an toàn vận hành phù hợp với các tiêu chuẩn quản lý an toàn đã được phê duyệt.
4. Lập và hoàn thiện hồ sơ chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Thông tư này.
5. Cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm tra, chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành.
6. Thanh toán giá, phí thực hiện kiểm tra, chứng nhận định kỳ hệ thống quản lý an toàn vận hành đường sắt đô thị theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Trách nhiệm của Tổ chức chứng nhận
1. Lập Đề cương đánh giá, chứng nhận trình Chủ đầu tư phê duyệt.
2. Thực hiện theo đúng Đề cương đánh giá, chứng nhận đã được phê duyệt và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22. Quy định chuyển tiếp
Đối với các tuyến đường sắt đô thị triển khai xây dựng trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà dự án đã có nhiệm vụ đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống thì thực hiện theo nội dung công việc đã được phê duyệt và phải thực hiện thẩm định hồ sơ an toàn hệ thống theo quy định tại Thông tư này.
Điều 23. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 16/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về thực hiện đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống đối với đường sắt đô thị.
Điều 24. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Biểu mẫu thực hiện
Bao gồm
IV. Thủ tục thực hiện #
Click hoặc chạm vào từng bước để xem thông tin
THÔNG TIN CỦA BƯỚC: #
V. Cách thức & lệ phí thực hiện #
STT | Hình thức nộp | Thời hạn giải quyết | Phí, lệ phí | Mô tả |
---|---|---|---|---|
1 | Trực tiếp | 20 Ngày làm việc | Lệ phí : 50.000 đồng/01 Giấy chứng nhận Đồng Lệ phí cấp Giấy chứng nhận | 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ toàn bộ hồ sơ theo quy định |
2 | Dịch vụ bưu chính | 20 Ngày làm việc | Lệ phí : 50.000 đồng/01 Giấy chứng nhận Đồng Lệ phí cấp Giấy chứng nhận | 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ toàn bộ hồ sơ theo quy định |
VI. Thành phần hồ sơ #
STT | Tên giấy tờ | Mẫu đơn, tờ khai | Số lượng |
---|---|---|---|
Bao gồm | |||
1 | Giấy đề nghị thẩm định theo mẫu quy định | Tải về |
Bản chính: 1 Bản sao: 0 |
2 | Đề cương đánh giá, chứng nhận và các phiên bản cập nhật sửa đổi đã được Chủ đầu tư phê duyệt |
Bản chính: 1 Bản sao: 0 |
|
3 | Báo cáo đánh giá và các tài liệu đánh giá kèm theo đối với các hạng mục mà Tổ chức chứng nhận đã thực hiện theo Đề cương đánh giá, chứng nhận |
Bản chính: 1 Bản sao: 0 |
|
4 | Báo cáo xử lý, khắc phục của Chủ đầu tư đối với các vấn đề được nêu trong báo cáo đánh giá của Tổ chức chứng nhận |
Bản chính: 1 Bản sao: 0 |
|
5 | Báo cáo đánh giá cuối cùng và bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận an toàn hệ thống của Tổ chức chứng nhận |
Bản chính: 1 Bản sao: 0 |